Valentina Petrillo, một người cha 2 con nhưng giờ mang giới tính nữ, đã giành vé vào bán kết nội dung chạy 400m nữ hạng thương tật T12 tại Paralympic 2024.
Fabrizio (tên cũ của Valentina Petrillo) đã 51 tuổi và từng giành 11 chức vô địch quốc gia khi còn là nam giới. VĐV này đã có vợ và 2 con, và năm 45 tuổi vẫn còn thi đấu với giới tính nam. Nhưng năm 2019, Petrillo đã quyết định chuyển giới, và sau đó đủ khả năng để tham dự Paralympic ở các nội dung nữ sau khi cơ quan quản lý thể thao chấp nhận khả năng cạnh tranh của vận động viên.
Tại vòng loại, Petrillo đứng thứ hai ở Heat 4 với thành tích 58 giây 35, xếp trên VĐV Shen Yaqin của Trung Quốc (1 phút 01 giây 11), người trẻ hơn cô đến 18 tuổi. Tính chung cuộc, Petrillo xếp hạng 6/13 VĐV tham dự ở vòng loại nội dung này, và xếp trên cả những VĐV còn trẻ hơn nữa như Daniela Eugenia (sinh năm 1995), Lorraine Gomes (1997), Daniele Clara (1998).
Xếp đầu vòng loại là chân chạy đang giữ kỷ lục thế giới và kỷ lục Paralympic, Durand Elias Omara (Cuba) với thành tích 55 giây 36. 8 VĐV có thứ hạng cao nhất giành quyền vào vòng bán kết diễn ra vào 1h43 phút đêm nay. Vòng chung kết tranh huy chương sẽ diễn ra vào 17h14 chiều mai, 3/9.
Liên đoàn Thể dục Thể thao Thế giới (WPA) khẳng định rằng mức testosterone của Petrillo, sau khi chuyển giới, phù hợp để thi đấu. Trong khi các vận động viên Venezuela và Trung Quốc trong bài thi T12, dành cho các vận động viên bị khiếm thị, cần có một hướng dẫn viên, Pertrillo đã chạy mà không cần sự hướng dẫn.
Sau khi hoàn thành vòng loại, Petrillo từ chối trả lời truyền thông và chỉ chia sẻ với dịch vụ thông tin Paralympic nội bộ. Cô tuyên bố mình là nguồn cảm hứng cho nhiều VĐV chuyển giới, khẳng định rằng cuộc chạy của mình là lịch sử, và hôm nay sẽ trở thành một ngày sẽ luôn được nhớ mãi.
“Tôi không muốn nghe về sự phân biệt đối xử hoặc thành kiến đối với những người chuyển giới. Nhiều người chết vì họ là người chuyển giới. Vì họ mất việc làm. Vì họ không chơi thể thao. Tôi đã làm điều đó. Nếu tôi đã làm được, tôi thực sự rất nhỏ bé. Nếu tôi có thể làm được, họ có thể làm được. Tôi đã nghĩ về Paris từ khi tôi biết mình sẽ không tham dự Thế vận hội Tokyo. Đó là ngày tuyệt vời nhất trong cuộc đời tôi. Cuối cùng thì tôi đã ở đây”, Petrillo quả quyết.
Dĩ nhiên, Petrillo vẫn bị phản đối vì một số đối thủ cho rằng cô “có lợi thế” hơn những người khác. VĐV Paralympic người Đức Katrin Mueller-Rottgardt nói với Bild: ‘Cô ấy (Petrillo) đã sống và huấn luyện như một người đàn ông trong một thời gian dài, vì vậy có khả năng rằng các yêu cầu về thể chất sẽ khác so với người sinh ra là phụ nữ. Điều này có thể mang lại lợi thế cho cô ấy.’
Ở vòng loại, Petrillo đã vào bán kết trước VĐV nước rút khiếm thị Melani Berges. Berges, 33 tuổi, xếp thứ 5 và mất cơ hội thi đấu tại Paris. “VĐV Tây Ban Nha của chúng tôi Melani Berges đã mất cơ hội tham dự Thế vận hội. Lý do là sự tham gia của Fabrizio ‘Valentina’ Petrillo, người đã vào chung kết thay cho cô ấy. Đó là không công bằng.’, Irene Aguiar, một luật sư chuyên về luật thể thao quốc tế, tuyên bố.
Petrillo phản ứng lại ra sao? ‘Chỉ công bằng khi mỗi người trong chúng ta có thể tự biểu đạt bản thân theo giới tính của mình. Thể thao nên dạy cho chúng ta giá trị của sự bao gồm và điều này quan trọng cho hạnh phúc của mọi người”, cô tuyên bố với các phóng viên trước khi tới Paris.
Ngoài nội dung 400m T12, Petrillo còn thi đấu 200m T12 nữa. Nội dung này sẽ thi đấu vào ngày 6/9 tới.