Site icon RED88

HLV Trần Công Minh: ‘Đào tạo trẻ là cái gốc của bóng đá Việt Nam’

HLV Trần Công Minh: “Đào tạo trẻ phải là cái gốc của bóng đá Việt Nam” - Ảnh 1.

HLV Trần Công Minh cho rằng để ổn định thành tích cho đội tuyển quốc gia, điều quan trọng nhất vẫn là phát triển hệ thống đào tạo trẻmột cách bài bản, quy mô và chuyên nghiệp.

* Thể thao& Văn hóa: Với những biến chuyển gần đây ở đội tuyển Việt Nam, bóng đá nước nhà có dấu hiệu “đứt gãy” lực lượng, anh nhìn nhận thế nào về vấn đề này?

– HLV Trần Công Minh: Với công tác đào tạo trẻ, tôi nghĩ đang chững lại thì chính xác hơn. Có lẽ một phần do khủng hoảng kinh tế đã tác động đến các trung tâm đào tạo bóng đá, vì đa số do doanh nghiệp tài trợ, kinh doanh đi xuống thì làm sao còn tâm trí và đầu tư nhiều tiền cho đào tạo trẻ.

Đào tạo trẻ đã khó cộng thêm các em ít có cơ hội thi đấu, cọ xát. Mỗi năm chỉ có các giải trẻ trong nước, thi đấu quốc tế không nhiều. Ở CLB, cầu thủ trẻ hiếm người được trao cơ hội. Vậy nên, đó là khó khăn khi họ được lên đội tuyển.

* Vẫn luôn có những tranh luận về vấn đề sử dụng ngoại binh ở mỗi đội bóng, bao nhiêu cầu thủ ngoại ở mỗi đội bóng thì phù hợp với V-League lúc này, vậy đâu là quan điểm của anh?

– Chúng ta cũng phải thẳng thắn với nhau rằng, khi được thi đấu bên cạnh một ngoại binh chất lượng, mẫu mực, bản thân các cầu thủ nội cũng phải biết cách để kết nối, tương tác và học hỏi, phát triển bản thân từ họ. Chưa kể, nếu bản thân cầu thủ nội hội đủ năng lực cao, phẩm chất xuất sắc, hẳn nhiên các đội bóng sẽ tin dùng chứ không thể ngó lơ. Nghĩa là, cơ hội vẫn có cho cầu thủ nội, cho nhân tố trẻ. Vấn đề ở đây họ có biết cách nắm lấy cơ hội để thể hiện, chứng tỏ năng lực của mình hay không.

Những năm gần đây, bóng đá trẻ Việt Nam đã có thành công nhất định trên đấu trường châu lục. Tuy nhiên, cứ mỗi khi trở về từ những giải đấu quốc tế, câu hỏi đặt ra là liệu cầu thủ trẻ có được thi đấu thường xuyên. Chính điều đó dẫn đến tranh cãi chuyện cầu thủ ngoại chiếm suất của nội binh nên đã đặt ra chuyện cắt giảm số lượng ngoại binh hay tổ chức giải đấu dành cho U23 song song V-League.

Việc cầu thủ ngoại và số lượng đăng ký chỉ là một mặt của vấn đề. Nhìn từ góc độ khác, chính các ngoại binh là lý do buộc cầu thủ trẻ phải cố gắng, nỗ lực hơn để cạnh tranh. Mặt khác, ở đây còn nhiều yếu tố khác để quyết định cơ hội ra sân của cầu thủ trẻ từ thành tích của đội bóng, quan điểm, triết lý của mỗi HLV.

Một ĐTQG mạnh cần có một giải đấu mạnh. Vấn đề ở đây nền tảng của giải đấu có giúp cầu thủ tiến xa hơn trong sự nghiệp. Ở đây có nhiều vấn đề về chiến thuật, phong cách thi đấu của mỗi đội bóng sẽ ảnh hưởng đến nội binh. Đã từ lâu, lối đá “khoán” cho Tây hay áp lực thành tích buộc các CLB phải xây dựng lối chơi cầu thủ nội phục vụ đồng đội ngoại binh. Do vậy, cần nhiều hơn động thái thay đổi trên nhiều phương diện chứ không chỉ nằm ở chuyện số lượng ngoại binh được đăng ký và sử dụng là bao nhiêu.

*Theo anh, đâu là hướng đi cho việc phát triển khâu đào tạo trẻ trong thời gian tới?

– Chúng ta cần phát triển rộng sâu hơn nữa những mô hình đào tạo trẻ từ các học viện, địa phương. Các học viện bóng đá được tổ chức bài bản, quy mô cùng với đó là phát triển bóng đá học đường, bóng đá cộng động. Bóng đá học đường và bóng đá cộng đồng sẽ là hệ thống liên kết cho các học viện bóng đá.

Việc phát triển bóng đá học đường sẽ giúp giải quyết rất nhiều điều trong công tác đào tạo trẻ. Hiện nay, tại TP.HCM, mô hình bóng đá học đường đang được tổ chức với quy mô lớn, rộng khắp, đã và đang mang lại những tín hiệu tốt. Thể thao học đường nói chung và bóng đá học đường nói riêng phát triển rất mạnh tại Nhật Bản và Hàn Quốc. Rất nhiều tài năng của họ xuất thân từ bóng đá học đường. Với Thái Lan, quốc gia này cũng áp dụng mô hình tương tự. Mấy lần sang Thái Lan thi đấu và theo đội tuyển trong công tác huấn luyện, tôi quan sát thấy thể thao học đường của họ rất được chú trọng.

Về tư duy huấn luyện, đào tạo cầu thủ, chúng ta phải hiểu rằng nếu coi cầu thủ là một gói sản phẩm hoàn thiện thì bóng đá Việt Nam cần phải có chuyên gia về kỹ thuật, chuyên gia về dinh dưỡng từ nhỏ, chuyên gia về thể lực, đội ngũ y tế gọi là phòng tránh chữa trị chấn thương, chuyên gia phân tích trận đấu hỗ trợ, chuyên gia tâm lý. V-League và hạng Nhất phải được vận hành một cách ổn định, chuyên nghiệp, tạo nhiều giá trị gia tăng cho bản thân các CLB. Ở tầm các đội tuyển, ĐTQG và U23 quốc gia phải được tập huấn, thi đấu với các đội bóng đến từ nền bóng đá đỉnh cao của thế giới. Đó mới là hướng đi bài bản để tạo ra được một giải đấu chất lượng nhằm tạo nền tảng tốt cho ĐTQG.

* Mục đích lớn nhất của các đội tuyển trẻ chính là việc tìm ra được lực lượng kế thừa cho ĐTQG, vậy dưới góc nhìn của anh, nền tảng từ các tuyển trẻ như U17, U19, U20 hay U23 của chúng ta hiện nay ra sao?

– Với bóng đá trẻ, chúng ta đừng nhìn vào thành tích, hãy nhìn vào hiệu quả của cả một quá trình. Từ đó, sẽ thấy bóng đá Việt Nam trong nhiều năm gần đây, các lứa trẻ U17, U19, U20 đều tham dự VCK châu Á. Rõ ràng, bóng đá trẻ chúng ta được góp mặt tại các đấu chất lượng ở cấp độ trẻ của châu lục. Ngoài ra, cầu thủ trẻ Việt Nam còn được tham dự ASIAD, Asian Cup, AFF Cup, SEA Games. Tất cả những thế hệ cầu thủ nối đuôi nhau đều trải qua một quá trình từ các đội tuyển trẻ U17, U19, U20.

Các cầu thủ khi trải qua nhiều giải đấu chất lượng như thế, họ sẽ có được trải nghiệm rất tốt. Tôi nghĩ rằng, bóng đá trẻ chúng ta đã có thành tích, tạo ra nền tảng, vẫn nhìn thấy được những tín hiệu tích cực, lạc quan.

Do đó, nhiệm vụ cũng như áp lực lớn nhất là đào tạo được bao nhiêu cầu thủ giỏi cho các ĐTQG, phục vụ những mục tiêu trọng điểm chứ không phải đạt bao nhiêu thành tích trước mắt. Muốn vậy, chúng ta phải kiên nhẫn với cầu thủ trẻ. Phải làm tốt khâu đào tạo trẻ một cách hệ thống, bền bỉ, từ các địa phương đến VFF. Khi cái nền tốt thì chắc chắn các cấp độ đội tuyển Việt Nam sẽ mạnh lên.

Làm sao từ những giải đấu cấp độ trẻ như U17, U19, U20, U23 tìm ra được nhân tố tốt cho ĐTQG. Đó mới chính là mục tiêu quan trọng nhất chứ không phải thành tích ở những giải đấu trẻ sẽ quyết định mọi thứ đâu.

* Trân trọng cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

Điều quan trọng nhất, phải tiếp tục củng cố công tác đào tạo trẻ ở các địa phương, thúc đẩy V-League thực sự chuyên nghiệp, hợp tác quốc tế sâu rộng, tăng cường cho các ĐTQG được tập huấn ở các nền bóng đá đỉnh cao. Đấy là những chiến lược mang tính cấp bách để lái “con tàu” bóng đá Việt Nam đi đúng quỹ đạo.

Exit mobile version