Site icon RED88

Hà Nội vào cuộc quyết liệt để phòng, chống sốt xuất huyết

Hà Nội vào cuộc quyết liệt để phòng, chống sốt xuất huyết - Ảnh 1.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố Hà Nội thông tin, từ ngày 16 – 22/8, toàn thành phố ghi nhận 234 ca mắc sốt xuất huyết (giảm 40 trường hợp so với 1 tuần trước) và không có ca tử vong.

Số ca mắc sốt xuất huyết phân bố tại 28 quận, huyện. Trong đó những huyện, quận có nhiều ca mắc nhất là Đan Phượng 63 ca, Thanh Oai 22 ca, Phúc Thọ và Hà Đông mỗi nơi 15 ca; xã, phường ghi nhận nhiều ca mắc như Phương Đình (Đan Phượng) 29 ca, Đồng Tháp (Đan Phượng) 7 ca, Hồng Dương (Thanh Oai) 7 ca, Dương Nội (Hà Đông) 6 ca mắc. Cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, số mắc sốt xuất huyết của Hà Nội là 2.284 ca, chưa ghi nhận ca tử vong, giảm 59% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong tuần, Hà Nội ghi nhận 17 ổ dịch sốt xuất huyết tại các quận, huyện: Đan Phượng, Phúc Thọ, Hoàn Kiếm, Thanh Oai, Ba Vì, Chương Mỹ, Đống Đa, Đông Anh, Thạch Thất và Thường Tín, tăng 2 ổ dịch so với tuần trước. Cộng dồn năm 2024, ghi nhận 104 ổ dịch, còn 34 ổ dịch đang hoạt động.

Trung tâm đã phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện giám sát, điều tra, xử lý dịch tại khu vực có ca bệnh, ổ dịch đang hoạt động, ghi nhận ổ bọ gậy tại nhiều dụng cụ như bể hở, lốp xe phế liệu, chậu cảnh, xô, chậu, chum, vại… Với điều kiện thời tiết nắng nóng kèm theo mưa nhiều như hiện nay dễ phát sinh muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết nếu không triển khai triệt để các biện pháp vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, phun hóa chất diệt muỗi.

Các đơn vị liên quan thực hiện giám sát khu vực ổ dịch sốt xuất huyết đang hoạt động, khu vực nguy cơ như tại xã, phường: Hồng Dương (Thanh Oai), Tiên Phương (Chương Mỹ), phường Dương Nội (Hà Đông), Tam Thuấn (huyện Phúc Thọ), Văn Chương (Đống Đa), Dũng Tiến (Thường Tín), Trần Hưng Đạo (Hoàn Kiếm), Liên Hồng (Đan Phượng).

Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã tập trung nguồn lực xử lý triệt để tại các khu vực ổ dịch, phun hóa chất diệt muỗi đảm bảo tỷ lệ phun triệt để cao, vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy tại các khu vực nguy cơ có chỉ số côn trùng cao. Đồng thời giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm tại cộng đồng và các cơ sở khám, chữa bệnh được phân cấp nhằm nắm bắt tình hình dịch bệnh, điều tra, xử lý kịp thời ca bệnh, ổ dịch.

Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã phối hợp với ngành giáo dục và đào tạo tổ chức giám sát, phát hiện trẻ mắc bệnh; xử lý dịch, tổng vệ sinh môi trường, khử khuẩn tại các trường học khi có bệnh nhân, ổ dịch. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với ngành thú y để theo dõi sát tình hình dịch bệnh dại trên động vật; phòng, chống dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người; tăng cường truyền thông, thông tin kịp thời, đầy đủ về dịch bệnh, các biện pháp phòng, chống tay chân miệng, ho gà, sởi, rubella… Với các bệnh có vaccine, ngành y tế khuyến cáo người dân chủ động tiêm chủng đúng lịch.

Đối với dịch, bệnh tay chân miệng, trong tuần thành phố ghi nhận 27 trường hợp mắc, không có ca tử vong, giảm 14 trường hợp so với tuần trước. Cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, toàn thành phố ghi nhận 1.845 trường hợp, không có ca tử vong, tăng 601 ca so với cùng kỳ năm 2023, không ghi nhận ổ dịch. Cộng dồn năm 2024 là 41 ổ dịch, hiện tại còn 1 ổ dịch đang hoạt động tại Hải Bối (Đông Anh) với 2 trường hợp mắc.

Bệnh ho gà không ghi nhận ca mắc trong tuần, cộng dồn năm 2024 là 222 trường hợp mắc tại 29 quận, huyện, thị xã, không có ca tử vong. Phân bố theo nhóm tuổi có 137 trường hợp trẻ dưới 2 tháng tuổi (61,7%); 42 trường hợp từ 3-12 tháng tuổi (18,9%); 18 trường hợp từ 13-24 tháng tuổi (8,1%); 16 trường hợp từ 25-60 tháng tuổi (7,2%); 9 trường hợp trên 60 tháng tuổi (4,1%). Một số dịch, bệnh khác như sởi, rubella, não mô cầu, viêm não Nhật Bản không ghi nhận ca mắc.

Exit mobile version