Site icon RED88

Có một Phan Đăng tỉnh thức… trong thơ

Có một Phan Đăng tỉnh thức… trong thơ - Ảnh 1.

Vài năm trở lại đây, tác giả Phan Đăng ghi dấu ấn bởi loạt sách đặt tên theo con số 39 như 39 câu hỏi cho người trẻ (2021), 39 cuộc đối thoại cho người trẻ (2022), 39 đoản thiền để thấy (2023)… Và mới nhất, đó là tập tản văn 39 câu chuyện cho tâm an (NXB Hội Nhà văn, 2024) vừa được ra mắt tại Hà Nội cuối tuần qua.

1. Lần ra mắt sách này, Phan Đăng đã khác hơn khi cùng lúc giới thiệu tập thơ đầu tay của anh có tên Tôi ngỡ tôi là người (NXB Hội Nhà văn, 2024). Tập thơ cùng với “loạt sách 39” đã từng bước định hình một Phan Đăng rõ nét hơn trên hành trình đi sâu và làm chủ con người bên trong, để kiến tạo một tâm thức an lành, một đời sống hạnh phúc.

Tôi ngỡ tôi là người có 4 chương được sắp xếp theo hành trình của một con người đi từ bên ngoài vào bên trong mình. Chương thứ nhất có tên Nhập, chỉ có 1 bài thơ duy nhất. Bài thơ cũng chỉ có vài câu. Nó thể hiện cái nhìn tổng quan của tác giả về đời sống, về sự sinh tồn của con người.

Ở chương thứ 2 Biến, Phan Đăng nhìn vào rất nhiều những biến động của đời sống. Đó là chiến tranh, hoạn nạn, sự bon chen, đua tranh trong cõi nhân sinh. Đến chương 3 có tên là Mình, Phan Đăng không còn hướng ra bên ngoài hoặc hướng vào những biến động. Lúc này anh bắt đầu tìm về thế giới bên trong để giải quyết những vấn đề của chính mình.

“Nếu không giải quyết được những tổn thương sâu kín, những vấn đề trong tâm thức của chính mình, thì việc hướng ra bên ngoài chỉ tạo ra những thành công ảo, những hạnh phúc ảo. Cho nên, trong nghề nghiệp có những lúc tôi cũng khá thành công, nhưng tôi không hạnh phúc” – Phan Đăng bày tỏ – “Khi nhận thức được điều này, cũng là lúc tôi quay về thế giới bên trong để hiểu mình, để có được cảm giác hạnh phúc”.

Khép lại tập thơ là chương Vô, hướng đến sự buông bỏ. Ở đây, buông không hiểu theo nghĩa đen, mà là buông bán chấp. “Ta cần tiền để sống nhưng ta không chấp vào tiền. Ta cần nhà để ở nhưng ta không chấp vào nhà. Ta cần tình yêu của người khác nhưng ta không chấp vào tình yêu đó. Đó đều là buông” – anh giải thích – “Ta cần một cái tôi trong cuộc đời này nhưng ta cũng không chấp vào cái tôi đó. Cứ như thế đến một ngày cái tôi tự nó nhỏ lại, nhỏ lại. Thế là buông”.

Hành trình Nhập – Biến – Mình – Vô chính là hành trình trong tâm tưởng của Phan Đăng. Đó là hành trình trải nghiệm với thế giới bên ngoài vốn đầy rẫy những biến động, rồi buông bỏ mà tìm về thế giới bên trong mình như một nơi an trú để kiếm tìm hạnh phúc đích thực. Đáng quý ở chỗ, như tác giả nói: “Tôi viết hoàn toàn là trải nghiệm của cá nhân mà thôi”.

2. Dẫu viết từ những trải nghiệm của mình nhưng qua Tôi ngỡ tôi là người, Phan Đăng cũng hy vọng mỗi người đọc có thể tự trải nghiệm và tự chữa lành, để có được tâm an. Nhưng đọc tập thơ này, lại thấy tác giả viết rất nhiều về cái chết, chữ “chết” xuất hiện dày đặc. Phải chăng ở đây có một nghịch lý?

Ví như ở bài thơ Game cuối, Phan Đăng viết: “Socrates rồi cũng chết/ Dù nhà cầm quyền chẳng đưa ra chén thuốc nào/ Bruno cũng chết/ Dù chẳng có giàn thiêu/ Galileo đỡ hơn ít nhiều?/ (Vẫn nói được một câu cần nói)/ Nhưng rồi vẫn chết/ Trái đất vẫn quay, mặt trời vẫn xoay”…

Phan Đăng kể, ngay từ khi còn là một học sinh cấp 3, anh đã nghĩ về cái chết rất nhiều. Suy nghĩ về cái chết thường trực trong anh đến mức trở thành ám ảnh không thể lý giải. Sau này, những ám ảnh về cái chết mới được lý giải phần nào khi anh được tiếp xúc với khái niệm “bản năng chết” của nhà phân tâm học Sigmund Freud. Phan Đăng tự thấy “bản năng chết” hiện hữu trong tâm trí mình. Anh suy nghĩ về nó với một tâm thế sợ hãi.

Mọi thứ chỉ thay đổi khi Phan Đăng tìm hiểu về Phật giáo. Anh tìm đến thiền và hiểu được khái niệm “vô thường” – tức vạn vật đều trải qua sinh, lão, bệnh, tử. Kể từ đây, anh bắt đầu nghĩ về cái chết một cách bình tĩnh, nhẹ nhàng.

Có lẽ, những thái cực trong nội tâm biến động mạnh mẽ như thế đã khiến tác phẩm của Phan Đăng cũng hàm chứa những tinh thần đặc biệt. Viết về cái chết nhưng ngụ ý về sự sống. Viết về tổn thương để truyền tải tinh thần hạnh phúc. Như anh bày tỏ: “Những tâm thế đó dội vào trong tôi, đó là lúc những câu thơ tự nó lên tiếng”.

3. Với tập thơ Tôi ngỡ tôi là người, Phan Đăng thành thực không dám gọi đó là thơ. Bởi anh không đi theo những khuôn mẫu cơ bản của sáng tác thơ về vần điệu, hình ảnh, có cấu tứ, tính biểu tượng. Anh đơn thuần viết những câu văn ngắn và xuống dòng, ghi chép cảm xúc tự nhiên nảy nở trong tâm can khi suy tư, chiêm nghiệm về những vấn đề mình trăn trở. Thế rồi, anh được nhiều nhà thơ động viên, mới đủ tự tin và mạnh dạn gọi “những câu văn ngắn xuống dòng” là thơ.

Nói như nhà phê bình Văn Giá, dẫu không phải tất cả nhưng phần lớn câu chữ trong tập này chính là thơ. Bởi, nó được viết ra đầy cảm xúc, có sự tươi tắn của hình ảnh, của ngôn từ, bày tỏ được sự giao cảm với cuộc đời, sự lắng nghe đời sống một cách tinh tế.

“Một người sống từ việc hướng ra thế giới bên ngoài, rồi sau đó dần dần hướng về nội giới của mình, quan sát chính mình, chiêm nghiệm về mình và đạt tới thiền định, tất yếu phải làm thơ. Bởi thơ cũng là chỗ sâu nhất của đời sống nội tâm con người” – nhà phê bình Văn Giá nhận xét – Dĩ nhiên đi theo con đường này, thơ sẽ có một tính chất khác chứ không phải là thứ thơ gắn, bám vào đời sống hiện sinh hằng ngày. Thơ ở đây được chưng cất ở sự tỉnh thức”.

Và, từ việc nhiều năm quan sát công việc của Phan Đăng đã làm, nhà phê bình Văn Giá đã không ngần ngại bày tỏ: “Có một nhà thơ Phan Đăng xuất hiện trong đời sống văn chương”. Ông cũng đánh giá Tôi ngỡ tôi là người là một khúc dạo đầu để Phan Đăng có thêm những bài thơ dày dặn, sáng giá và có chất lượng nghệ thuật cao hơn.

Exit mobile version