Site icon RED88

Cập nhật thiệt hại bão số 3 và mưa lũ đến 7h ngày 13/9

Cập nhật thiệt hại bão số 3 và mưa lũ đến 7h ngày 13/9 - Ảnh 1.

Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Đến 7h ngày 13/9/2024, bão số 3 và mưa lũ đã làm 336 người chết, mất tích. Bên cạnh đó, có 136.705 nhà bị hư hỏng và 67.653 nhà bị ngập.

Về thiệt hại nông nghiệp, mưa lũ làm cho 202.094 ha lúa bị ngập úng, thiệt hại; trong số đó, Nam Định bị ngập úng, thiệt hại 33.268 ha, Hà Nội 27.318 ha, Hải Phòng 23.870 ha, Hải Dương 20.467 ha, Bắc Giang 18.779ha, Hà Nam 7.928 ha…

Cùng đó, mưa bão làm cho 39.298 ha hoa màu bị ngập úng, thiệt hại, tập trung tại Hòa Bình 6.728 ha, Hải Phòng 5.116 ha, Hải Dương 3.159 ha, Bắc Giang 1.981 ha, Phú Thọ 1.631 ha, Lạng Sơn 1.849 ha…

Ngoài ra, có 22.288 ha cây ăn quả bị hư hại, tập trung tại Bắc Giang 6.669 ha, Hà Nội 3.924 ha, Hải Dương 3.163 ha; Hưng Yên 2.953 ha, Hải Phòng 2.043 ha, Thái Bình 1.385 ha…

Về nuôi trồng thủy sản, mưa lũ đã cuốn trôi, hư hỏng 1.848 lồng bè nuôi trồng thuỷ sản. Về chăn nuôi đã có 4.594 con gia súc, 1,787 triệu con gia cầm bị chết.

Tính đến 21h ngày 12/9, mực nước lũ trên nhiều tuyến sông có đê đã vượt báo động 3, đặc biệt trên sông Thao thuộc tỉnh Yên Bái, Phú Thọ đã vượt đỉnh lũ lịch sử năm 1971 trên 1 m. Hệ thống đê đã phát sinh nhiều sự cố như đùn sủi, thẩm lậu, sạt lở đê, sự cố rò rỉ nước qua cánh van cống, tràn một số tuyến đê cấp IV, cấp V, đê bao, đê bối,… Các địa phương đã thực hiện nghiêm túc công tác tuần tra canh gác, phát hiện và xử lý ngay giờ đầu nên đến nay các tuyến đê sông từ cấp III trở lên vẫn đảm bảo an toàn chống lũ.

Theo báo cáo của các địa phương, đến nay đã xảy ra 133 sự cố đê điều trên địa bàn 12 tỉnh, thành phố Tuyên Quang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nội, Hà Nam, Ninh Bình và Nam Định.

Cụ thể, có 61 sự cố xảy ra trên các tuyến đê từ cấp III trở lên, trong đó có 17 sự cố sạt lở đê, 7 sự cố đùn sủi, 8 sự cố lỗ rò thân đê, 9 sự cố thẩm lậu và 1 sự cố sạt lở kè.

Đồng thời, có 72 sự cố xảy ra trên các tuyến đê dưới cấp III; trong đó có 1 sự cố vỡ đê, 38 sự cố tràn đê, 6 sự cố sạt lở đê, 23 sự cố cống qua đê , 1 sự cố lỗ rò thân đê và 3 sự cố đùn sủi.

Về tình hình lũ, lũ trên sông Cầu (tỉnh Bắc Ninh) đã đạt đỉnh ở mức 7,79m (trên báo động 3 là 1,49m) lúc 20h/12/9, dưới mức lũ lịch sử năm 1971 0,05m; sông Hoàng Long (tỉnh Ninh Bình) tại Bến Đế đã đạt đỉnh ở mức 4,93m, trên báo động 3 là 0,93m lúc 19h/12/9; sông Thái Bình (thành phố Hải Dương), sông Thương (tỉnh Bắc Giang), sông Hồng (thành phố Hà Nội), sông Lục Nam (tỉnh Bắc Giang) đang xuống chậm.

Mực nước lúc 6h ngày 13/9 trên các sông như sau: Trên sông Cầu tại Đáp Cầu 7,67m, trên báo động 3 là 1,37m; trên sông Thương tại Phủ Lạng Thương 6,97m, trên báo động 3 là 0,67m.

Trên sông Lục Nam tại Lục Nam 6,25m, trên báo động 3 là 0,02m; trên sông Hoàng Long tại Bến Đế 4,83m, trên báo động 3 là 0,84m; trên sông Thái Bình tại Phả Lại 6,07m, trên báo động 3 là 0,07m; trên sông Hồng tại Hà Nội 10,08m, trên báo 1 là 0,58m.

Dự báo trong 12-24 giờ tiếp theo, lũ trên sông Cầu, sông Thương và sông Hoàng Long tiếp tục xuống nhưng vẫn ở trên mức báo động 3; sông Lục Nam và sông Thái Bình tiếp tục xuống nhưng vẫn trên mức báo động 2; sông Hồng tại Hà Nội sẽ xuống dưới mức báo động1.

Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ ở cấp 3.

Exit mobile version