Site icon RED88

Bị cấm thi đấu 1 năm, vì sao nhiều cơ thủ vẫn chọn PBA?

Carom 3 băng Việt Nam: Vì sao nhiều cơ thủ chọn PBA? - Ảnh 1.

Danh sách các cơ thủ Việt Nam bị Liên đoàn Billiard thế giới (UMB) cấm thi đấu ngày một dài hơn nhưng dường như không thể ngăn chặn làn sóng gia nhập hệ thống PBA Tour.

Mới nhất, UMB, tổ chức quyền lực nhất ở nội dung Carom, đã công bố danh sách cấm thi đấu đối với 27 cơ thủ Việt Nam tham dự các giải đấu trong hệ thống của UMB trong thời hạn 1 năm, kể từ ngày 27/8/2024 đến ngày 27/8/2025. Thông báo này cũng đã được gửi tới Liên đoàn Billiards & Snooker Việt Nam (VBSF) và UMB cũng yêu cầu VBSF thực hiện lệnh cấm thi đấu với nhóm cơ thủ này ở các giải đấu trong hệ thống quốc gia.

Thống kê gần đây, đã có tổng số 32 cơ thủ Việt Nam bị UMB cấm thi đấu với nguyên nhân là tham dự các giải đấu trong hệ thống của Hiệp hội Billiards chuyên nghiệp Hàn Quốc (PBA Tour). Danh sách này gồm một số tay cơ nổi tiếng như Nguyễn Quốc Nguyện, Ngô Đình Nại, Mã Minh Cẩm, Nguyễn Huỳnh Phương Linh…, còn gần đây thêm nhà vô địch SEA Games 31 Nguyễn Đức Anh Chiến và mới nhất là 27 cơ thủ (có 15 người đã có ID trên hệ thống của UMB) vừa thi đấu tại giải Hanoi Open 2024 từ ngày 19 đến 26/8 tại Hà Nội.

“Từ năm 2019, UMB đã có quy định sẽ cấm thi đấu quốc tế và quốc gia đối với cơ thủ dự PBA Tour. Toàn bộ các cơ thủ Việt Nam đều hiểu rõ về quy định này, khi thi đấu PBA Tour cũng đồng nghĩa với việc mất cơ hội thi đấu trong nước và đại diện cho quốc gia thi đấu các giải thuộc hệ thống của UMB. Đây là sự lựa chọn cá nhân, VBSF gần như không thể can thiệp”, Tổng thư ký VBSF Đoàn Tuấn Anh giải thích thêm.

PBA ra đời vào năm 2019 và hoạt động độc lập hoàn toàn UMB, nếu như không muốn nói có sự xung đột mạnh mẽ về tổ chức thi đấu giữa 2 tổ chức này. PBA Tour tạo ra sức hút với cơ thủ bằng thể thức thi đấu mới với 4 set (mỗi set tính tới điểm thứ 15) và đem tới cơ hội tạo bất ngờ cho các VĐV ít tên tuổi. Đặc biệt, tiền thưởng cho mỗi tour đấu rất hấp dẫn.

Ví dụ tổng giải thưởng cho giải nam ở Hanoi Open vừa qua là 250 triệu won (khoảng 4,7 tỷ đồng) và riêng nhà vô địch sẽ nhận 100 triệu won (1,9 tỷ đồng). Trong khi đó, đối với 1 giải đấu World Cup trong hệ thống của UMB có tổng số tiền thưởng là 106.000 euro (khoảng 2,9 tỷ đồng) và nhà vô địch nhận 16.000 euro (khoảng 438 triệu đồng).

Không như nhiều môn thể thao khác của Việt Nam đòi hỏi quá trình đào tạo, huấn luyện chuyên sâu theo hình thức tập trung “ăn tập”, rất nhiều tay cơ trưởng thành từ phong trào, sau đó chuyển sang thi đấu ở các giải trong nước.

Sự ràng buộc về chế độ hợp đồng lao động, quyền lợi của VĐV cũng chưa thực sự rõ ràng. Hay nói một cách khác, nhiều cơ thủ không thuộc biên chế thi đấu của địa phương nào, nên việc lựa chọn thi đấu cho các tổ chức khác nhau là sự lựa chọn cá nhân nếu cảm thấy có thể tìm kiếm thêm thu nhập.

Thống kê chưa đầy đủ, cả nước hiện có khoảng 600 cơ thủ thi đấu Carom ở các giải quốc gia, còn số lượng người chơi phong trào rất lớn đặc biệt ở các tỉnh, thành phố lớn. Tuy nhiên, để có thể giành được suất trong đội hình thi đấu của một đội tuyển địa phương có sự cạnh tranh rất lớn, chưa nói là để có mặt trong đội tuyển quốc gia còn đòi hỏi khắt khe hơn rất nhiều lần.

Vì lý do này, việc thử sức ở môi trường mới như PBA Tour với hệ thống giải đấu đa dạng, thể thức thi đấu bớt khắc nghiệt, cùng tiền thưởng hấp dẫn và những đãi ngộ nhất định ban đầu đang là lựa chọn của một số cơ thủ kể cả đã có hoặc chưa có thành tích nổi bật tại Việt Nam. Điều này có trở thành xu hướng hay không, còn tùy thuộc vào khả năng thích nghi và thành công của mỗi cơ thủ. Đặc biệt, việc trụ lại ở PBA phụ thuộc rất lớn vào thành tích giành được sau mỗi tour đấu.

Exit mobile version